Nguyễn Cư Trinh
(Bính Tuất 1716 - Đinh Hợi 1767)
Danh sĩ đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, tên chữ là Nghi, hiệu Đạm Am, con út danh sĩ Nguyễn Đăng Đệ. Tổ xa đời vốn người huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An, sau dời vào xã An Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên và vốn họ Trịnh
Ông đỗ hương tiến (Cử nhân) có tài văn võ, làm quan đến Thượng thư bộ Lại, kiêm Tàu vạn sứ, tước Nghi Biểu Hầu, ông nổi tiếng liêm chánh, giỏi việc chính trị, doanh điền, ngoại giao. Khi làm Tuần phủ Quảng Ngãi, ông đánh dẹp cuộc nổi dậy chống triều đình ở Đa Vách (người dân tộc khởi loạn) vào năm Canh Ngọ 1750
Khi vào miền Nam mở mang bờ cõi, khẩn hoang lập ấp (Quý Dậu 1753), ông có công lớn trong việc mở nước, an dân nhất là tại vùng Sài Gòn Gia Định. Ông giao thiệp đắc thế với Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên, họa thơ với các danh sĩ trong nhóm Chiêu Anh Các, khiến họ Mạc trọng vọng, nể phục, đưa đến việc Mạc Thiên Tích thần phục chúa Nguyễn. Năm Đinh Hợi 1767 ông bệnh mất, hưởng dương 51 tuổi, được truy tặng Tá lý công thần, Vinh lộc đại phu, thụy Văn Định
Thơ văn ông còn truyền tụng nhiều, gồm một số thơ chữ Hán và chữ Nôm, đặc sắc nhất là truyện Sãi Vãi và Độn Am thi tập. Đến đời Minh Mạng, lại truy tặng ông là Khai quốc công thần, Hiệp biện đại học sĩ, đổi tên thụy là Văn Cách, truy phong tước Tân Minh Hầu, cho tòng tự ở Thái miếu
|
|